Bất an vệ sinh thực phẩm chợ dân sinh

Bất an vệ sinh thực phẩm chợ dân sinh

Tính đến tháng 10/2023, toàn quốc có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là con số khiêm tốn trong số hàng nghìn chợ truyền thống, chợ dân sinh trên cả nước. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ cần phải được quan tâm hơn nữa.

Vệ sinh thực phẩm chợ dân sinh
Vệ sinh thực phẩm chợ dân sinh

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cơ sở hạ tầng kém, ý thức của tiểu thương chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 453 chợ, trong đó 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,31%), 58 chợ hạng 2 (chiếm 12,8%), 348 chợ hạng 3 (chiếm 76,82%). Trong tổng số 453 chợ, có 89 chợ kiên cố (chiếm 19,64%), 248 chợ bán kiên cố (chiếm 54,74%), 116 chợ lều lán tạm (chiếm 25,62%). Có 2 chợ đầu mối; 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán…).

Chợ truyền thống chủ yếu kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, rau, quả… thời gian qua, chợ truyền thống vẫn chủ yếu phát triển tự phát, cơ sở hạ tầng kém do đó tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

Dạo quanh một vòng các chợ truyền thống như: Phùng Khoang, Thành Công, Cầu Giấy, Hợp Nhất… có thể thấy, việc sắp xếp các gian hàng của các tiểu thương khá lộn xộn. Có quầy để đồ chín lẫn đồ sống, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn mác.

Các cửa hàng bán rau, củ, quả không có kệ, tủ kính, tiểu thương bày hàng xuống dưới đất lót bằng tấm ni lông hoặc tấm bìa… gây mất vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng này còn đáng ngại hơn tại các chợ cóc, chợ dân sinh khi mà đồ tươi sống, đồ chín cứ xen kẽ do người bán tự phát.

Bà Hạ Hồng Mai – tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hằng ngày bà vẫn ra chợ đầu mối lấy rau về bán. “Tôi cũng chọn các loại củ, quả tươi, giá rẻ chứ còn nguồn gốc thì đầu mối bảo ở đâu là biết ở đấy thôi, không có gì chứng minh cả” – bà Mai chia sẻ.

Giới chuyên gia nhận định, phần lớn các chợ dân sinh, chợ cóc, đặc biệt chợ ở nông thôn phục vụ nhu cầu tự sản, tự tiêu của người dân; có chợ họp tại sân đình của làng nên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; không gian chật hẹp, các trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định và cũng chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đảm bảo sức khỏe người dân

Từ thực tế trên, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), nhất là thực phẩm tươi sống. Thống kê cho thấy, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.

Thời gian qua, kênh bán hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị phát triển mạnh đã và đang góp phần nâng cao vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống Saigon Co.op có trên hàng nghìn điểm bán, trong đó số cửa hàng Co.op Food đang hoạt động hiệu quả trên toàn quốc là 571 cửa hàng, góp phần cung cấp bữa ăn hàng ngày cho hàng triệu gia đình Việt Nam với tiêu chí kinh doanh hàng đầu “an toàn – tiện lợi – tươi ngon”.

Cùng với đó, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam có 21 trung tâm bán sỉ và siêu thị trên toàn quốc cùng với 5 trạm thu mua và cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 2.000 đối tác cung ứng sản phẩm.

Theo bà Nga, xu hướng mới hiện nay là tổ chức các chuỗi cửa hàng nhỏ cung ứng đặc sản địa phương, thực phẩm an toàn như Sói Biển với 45 cửa hàng tại Hà Nội, chuỗi Bác Tôm, chuỗi EcoFood… đóng góp vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng phân phối hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối truyền thống cũng có sự chuyển mình. Các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm.

“Đến tháng 10/2023, toàn quốc có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Công Thương đã lồng ghép nội dung này trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển nông thôn mới. Theo các tiêu chí số 7 liên quan đến hạ tầng thương mại, những địa bàn được đánh giá là nông thôn mới nâng cao cần phải có những mô hình chợ an toàn thực phẩm. Nội dung này đã được đưa vào Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ” – bà Nga cho hay.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, TS.BS Cao Văn Trung – Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, an ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng…

Theo ông Trung, để đảm bảo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm thực sự hiệu quả, cần quán triệt triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đồng thời, ông Trung cũng nhấn mạnh cần sớm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế như kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://daidoanket.vn/bat-an-thuc-pham-cho-dan-sinh-10266952.html

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

No Responses

Write a response