350 công nhân ở Vĩnh Phúc vừa phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm; đầu tháng 5 có hơn 500 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai…
Trước đó, rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra khiến dư luận hoang mang và đặt câu hỏi vì sao kiểm soát an toàn thực phẩm khó đến thế?
Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể vì mất an toàn thực phẩm
Trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) nhưng làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Riêng trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc.
Sang tháng 4/2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 267 người bị ngộ độc. Chưa dừng lại ở đó, con số hơn 500 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai đầu tháng 5 này khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo, nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ còn tiếp diễn do nắng nóng kéo dài, đặc biệt với thức ăn đường phố, hàng rong, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm thời gian qua do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…)
Ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm…
Thực tế kết quả xét nghiệm đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm vừa qua cho thấy bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli và một số vi khuẩn khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch của họ còn yếu.
Vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau, củ, quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng. Tuy nhiên, các chuyên gia thực phẩm cũng lưu ý, lượng vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm phải đủ lớn mới có thể gây ra ngộ độc. Khi qua dạ dày, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt một phần bởi dịch vị, lượng Salmonella còn lại xuống tới ruột non mới có cơ hội phá hủy lớp niêm mạc ruột để gây ra triệu chứng ngộ độc.
Thông thường, thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella từ 6-72 giờ sau khi ăn, từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa. Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng
Để ngăn chặn “thực phẩm bẩn”, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, có thể kể đến như: Luật An toàn thực phẩm của Quốc hội, số 55/2010/QH12; Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành…
Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – nhận định: “Về chế tài xử lý hiện nay tôi cho rằng mức xử phạt không phải là thấp vì những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu. Những vi phạm của doanh nghiệp lớn sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng và đã có doanh nghiệp bị phạt như vậy.
Cho nên tôi nghĩ, chế tài phạt không phải là không có tính chất răn đe, bởi phạt nhiều thì cơ sở kinh doanh có thể phá sản, không thể sản xuất được nữa. Nhưng thực tế trong xã hội luôn có những thành phần cố tình lách luật để làm những sản phẩm không đạt yêu cầu để lưu thông, kiếm lợi bất chính…”.
Chia sẻ về khó khăn trong quản lý hiện nay, ông Long cho biết: Lực lượng thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm khá mỏng, một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí một phòng trong sở. Ngành y tế cũng chỉ đến chục người. Tuyến huyện vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc khoảng 700.000 cơ sở lớn, nhỏ.
“Với lực lượng như thế làm sao mà đi kiểm soát hết được. Cho nên tôi cho rằng vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định…”, ông Long nhấn mạnh
Cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường quản lý của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng bởi không ai thay thế họ được. Người tiêu dùng có thể kiểm soát an toàn thực phẩm bằng cách kiểm tra sự tin cậy của cơ sở sản xuất…
Cùng quan điểm với ông Long, nhiều ý kiến bày tỏ, giải pháp hiện nay là tập trung tuyên truyền nguy cơ ngộ độc thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, cung cấp kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đặc biệt, tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0975 730 849
Website: https://atvstp.org.vn
Nguồn: https://congthuong.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-vi-sao-kho-den-the-320222.html