Dù nỗ lực để kiểm soát cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhưng từ nhân lực, kinh phí cho đến ý thức người dân vẫn khiến câu chuyện quản lý về an toàn thực phẩm tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn.
Khó từ tuyến huyện, xã
Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, riêng ngành nông nghiệp khi kiểm tra an toàn thực phẩm ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, huyện không thể nào thành lập đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm nông nghiệp vì ngay lãnh đạo phòng cũng không có chứng chỉ hoặc kiến thức để có thể xử lý vi phạm. Đây cũng là điều gặp phải ở hầu hết địa phương khi nguồn nhân lực được đào tạo đúng chuyên ngành làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm hiện rất thấp, còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm nghiệm, áp dụng chỉ tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm.
Xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm
Trong 10 tháng của năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xử phạt tổng số tiền hơn 335 triệu đồng từ các vi phạm về an toàn thực phẩm như không có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến, vi phạm quy định về điều kiện bảo quản thực phẩm; các hành vi kinh doanh nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc…
Tính đến cuối tháng 10, Quảng Nam xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm. Hai vụ việc nổi trội nhất là ngộ độc cá chép làm chua tại huyện Phước Sơn gây tử vong 1 người; vụ ngộ độc bánh mì Phượng ở Hội An làm 313 người mắc. Sở Y tế nhận định, các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh thời gian qua phần lớn do tập quán ăn uống của các hộ gia đình và tại các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ. Các vụ ngộ độc này đã được điều tra, xử lý kịp thời, đúng quy định…
Hiện tại, Phòng NN&PTNT và Phòng Công Thương tuyến huyện thiếu nhân lực phụ trách về an toàn thực phẩm dẫn đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm địa phương còn nhiều hạn chế.
Bà Lê Thị Hồng Cẩm – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, ở tuyến huyện còn khó khăn về việc bố trí nhân sự làm công tác an toàn thực phẩm chưa đúng chuyên môn, chuyên trách. Điều này dẫn đến chất lượng các cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã chưa được tiến hành thường xuyên, thậm chí bỏ sót.
Trong khi đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động nên khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
Đặc biệt, việc quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm theo mùa cũng như loại hình dịch vụ nấu ăn lưu động tự phát hiện có rất nhiều tiềm ẩn, nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩmnhưng vẫn chưa được kiểm soát.
Không chỉ khó quản lý các cơ sở kinh doanh trực tiếp, thương mại điện tử bùng nổ với các hình thức kinh doanh thực phẩm online trong khi quy định quản lý, xử lý và truy xuất đơn vị kinh doanh theo hình thức này vẫn không đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không kiểm soát được các cơ sở kinh doanh này và chất lượng sản phẩm trên thị trường thông qua hình thức mua bán trực tuyến.
Cần có đầu mối chung
Tại cuộc làm việc của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, đại diện các sở ngành đều nêu những khó khăn về nguồn nhân lực lẫn kinh phí để vận hành các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trong năm 2023, môi trường du lịch gặp một số vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của Quảng Nam.
“Khi kiểm tra môi trường du lịch, chúng tôi rất xem trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh tại những địa điểm du lịch của tỉnh. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại Hội An vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch.
Trong khi đó, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với ngành du lịch rất khó vì chưa có quy định cụ thể, do vậy chúng ta cần có một đầu mối ở cấp tỉnh. Cũng cần thiết phải có cam kết giữa đơn vị kinh doanh thực phẩm, đơn vị cung ứng nguyên liệu, các nhà hàng, quán ăn tại các địa điểm du lịch” – ông Văn Bá Sơn nói.
Cùng với nhân lực, kinh phí hoạt động chương trình an toàn thực phẩm tại Quảng Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động là điều được các các sở ngành nêu ra. Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hồng Cẩm cho rằng, hiện nay mô hình quản lý an toàn thực phẩm chưa thống nhất đồng bộ từ Trung trương đến địa phương.
“Sự phân công trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm chưa rõ ràng, hầu như tất cả vụ ngộ độc, sự cố an toàn thực phẩm đều do Chi cục an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế xử lý, trong khi đó quản lý an toàn thực phẩm hiện nay do 3 ngành gồm: Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Sự phối hợp trong công tác chia sẻ dữ liệu quản lý và báo cáo cũng gặp nhiều khó khăn khi ngành y tế chủ trì nhưng số liệu thì do các ngành quản lý cung cấp, do đó sẽ gặp nhiều trùng lắp” – bà Lê Thị Hồng Cẩm nói.
Đề nghị thành lập một cơ quan đầu mối để thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thi 17 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới là điều được Sở Y tế đề xuất. Theo đó, hiện nay đã có một số tỉnh/thành thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm hoặc Sở an toàn thực phẩm và đây chính là đầu mối để xử lý, kiểm soát về vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0975 730 849
Website: https://atvstp.org.vn
Nguồn: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-cap-nao-cung-kho-150985.html